"Nhà thầu Việt cần làm gì để thắng thầu?" Đó là câu hỏi nóng bỏng bấy lâu nay khi "hiện tượng" Trung Quốc trúng thầu tới 90% các dự án năng lượng và khai khoáng được báo giới xới xáo trong nhiều tháng qua. Sáng 2/6, Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đã cuộc hội thảo sôi nổi nhằm giải đáp câu hỏi này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh nhận định, nhà thầu nội mặc dù đã có nhiều nỗ lực song vẫn đang bị lép vế trên sân nhà. Hằng năm có khoảng 150 công trình song phần lớn các nhà thầu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đảm nhận. "Năng lực tài chính hạn chế dẫn đến khó khăn về thu xếp tài chính, thiết bị còn yếu, năng suất lao động thấp khiến nhà thầu nội thua cuộc", ông Khánh cho hay.
Theo Bộ KHĐT, năm 2010 có 453 gói thầu với tổng giá gói thầu là 77.683 tỷ đồng, áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế. 13.939 gói thầu với tổng giá gói thầu là 200.724,29 tỷ đồng áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi.
Trong giai đoạn 5 năm qua, đối với các gói thầu EPC sử dụng vốn Nhà nước, nhà thầu Trung Quốc chiếm 24% về số lượng và 48% về giá trị trúng thấu. Kế đến là nhà thầu Nhật Bản chiếm 6% về số lượng gói thầu EPC và 11% giá trị trúng thầu. Việt Nam chiếm 67% số gói thầu EPC sử dụng vốn Nhà nước nhưng giá trị số gói thấu này chỉ chiếm 39% trong tổng giá trị gói thầu EPC sử dụng vốn Nhà nước.
Vốn eo hẹp nên làm gì cũng khó
Ông Vũ Quý Hà, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vinaconex bày tỏ, ngoài vấn đề về qui trình quản lý, cách thức tổ chức, nguồn nhân lực, các nhà thầu Việt Nam còn vướng nhất ở phần nguồn vốn. Nhận tổng thầu EPC, cần nguồn vốn lớn, nhất là ngoại tệ nhưng nhà thầu Việt Nam ít được các ngân hàng đáp ứng đủ. Mặt khác, lãi suất tăng cao khiến cho các nhà thầu hiện này rất ngần ngại. Vì các dự án EPC có vòng quay thu hồi vốn chậm.
Theo ông Hà, chỉ ở một số lĩnh vực, các nhà thầu Việt đuợc coi là có thể cạnh tranh được, ví dụ như làm thủy điện có Tập đoàn Sông Đà, xây dựng nhà cao tầng có Vinaconex, thi công xây dựng cầu đường có Tổng công ty cầu Thăng Long... Nhưng số lượng nhà thầu Việt Nam được làm tổng thầu EPC quả còn rất hạn chế.
Tham luận trong hội thảo này, ông Phạm Văn Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long chia sẻ, một vấn đề mà ông vẫn thắc mắc là các nhà thầu Việt Nam khi thực hiện dự án, dưới sự điều hành giám sát của nhà thầu nước ngoài thì làm việc rất tốt và đạt yêu cầu. Nhưng vẫn những con người đó, khi trực tiếp làm thì thường không đáp ứng được yêu cầu, tại sao?
Công nhân Trung Quốc đang làm việc tại dự án bauxite ở Việt Nam. Ảnh : P.H |
Tự lý giải, ông Lộc cắt nghĩa vấn đề nguồn vốn. Phần lớn các nhà thầu Việt Nam có quy mô tài chính hạn chế. Các nhà thầu tư nhân thường vốn nhỏ, từ nguồn góp cổ phần, các nhà thầu lớn như Tập đoàn, Tổng công ty thì nguồn vốn tuy lớn, nhưng do Nhà nước nắm giữ chi phối. Khi sử dụng nguồn vốn này, buộc phải được sự phê chuẩn của rất nhiều cấp, nhiều bước và cần thời gian. Khi triển khai dự án, nếu trúng thầu thì ngoài vốn này, bao giờ các doanh nghiệp cũng phải đi vay với lãi suất rất cao, và chịu sự ràng buộc từ nhiều phía Ngân hàng, cơ quan chủ quản, cơ quan bảo lãnh... Vì vậy, các nhà thầu Việt Nam không tự tin khi tham gia đấu thầu các dự án lớn.
Ở trường hợp khác, nhà thầu năng lực tài chính yếu nhưng vì mục tiêu tạo công văn việc làm cho lao động, phải có hợp đồng nên đã bỏ giá thấp để trúng thầu. Khi dự án thực hiện, sẽ không thành công và lại mất uy tín.
Hãy học ngay khi làm nhà thuê cho nước ngoài
Ông Lộc cũng rất thẳng thắn liệt kê ra những lỗ hổng năng lực của nhà thầu Việt Nam. đơn cử như vấn đề lập hồ sơ dự thầu, phương án cơ sở thường không trúng ý chủ đầu tư. "Các dự án nước ngoài thường mời thầu trên cơ sở hồ sơ thiết kế cơ sở hoặc chỉ tiêu kỹ thuật. Sau đó, mới tính giá trị của những phương án được chọn. Trong khi, các nhà thầu nước ngoài thường đưa ra nhiều phương án cụ thể khác nhau để chủ đầu tư lựa chọn, thì nhà thầu Việt Nam thường không tính hết, chỉ căn cứ trên những ước tính, không sát giá trị thực và không báo hàm hết tất cả các công việc của dự án", ông Lộc nhận xét.
Chưa hết, tính uy tín và trách nhiệm của nhà thầu trong nước chưa cao. Yếu tố thời gian là rất quan trọng với các dự án nước ngoài, nhưng chúng ta thường hơi đại khái khi lập biểu đồ tiến độ. Khi làm hồ sơ chào thầu, các đơn vị không tính toán, lường hết mọi chi phí nên khi thực hiện, phát sinh tăng giá thành và kéo dài thời gian", ông Lộc nhận định. Ngoài ra, còn vấn đề bảo hành dự án, có những trường hợp khi chủ đầu tư có yêu cầu, nhà thầu trong nước triển khai việc này rất chậm và hiệu quả kém làm mất niềm tin của chủ đầu tư.
"Có lẽ, chúng ta chưa thực sự xác định mình là người làm thuê để làm sao, các chủ đầu tư phải cảm thấy thích nhất và yên tâm mua sản phẩm của mình", ông Lộc kết luận.
Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, phải thay đổi ngay tiêu chí chọn theo giá rẻ mà Luật đấu thầu hiện hành đang áp dụng để cải thiện tình hình bị Trung Quốc "lấn át" mỗi khi dự thầu EPC. Ông Nguyễn Xuân Đào, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết sắp tới, việc sửa lại luật Đấu thầu cũng đang nằm trong kế hoạch năm nay, chắc chắn sẽ phải xem xét lại các vấn đề mà dư luận đặt ra. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, bản thân các nhà thầu Việt Nam phải nâng cao năng lực của chính mình, về cả tài chính, nhân lực, xây dựng chứ tín và thương hiệu.
"Các đơn vị cần giảm nguồn lực cho công việc "ngoại giao" và thay vào đó, tăng nguồn lực cho các kiến thức trong đấu thầu", ông Đào lưu ý.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Quý Hà bổ sung thêm, các nhà thầu cũng cần đẩy mạnh việc liên kết, nhất là trong vấn đề vốn để có thể đủ năng lực nhận thầu EPC các dự án quy mô vừa đến lớn. Nếu như giữa các Tập đoàn, Tổng công ty xây dựng có sự hợp tác, đồng lòng phát huy thế mạnh ở từng lĩnh vực thì có thể cùng cạnh tranh, giành chiến thắng trên sân nhà.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, với lĩnh vực đầu cư công, các chủ đầu tư nên có tầm nhìn rộng hơn đối với lợi ích khi giao thầu EPC cho nhà thầu trong nước. Vì các đơn vị này không phải chỉ nhận việc kiếm doanh thu mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động và kỹ sư trong nước. Đó cũng là động lực đẩy thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, thị trường khoa học công nghệ phát triển.
Nguồn VietNamNet